Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

Chơi âm thanh thời Internet: Không chỉ là thú chơi

      






Chơi âm thanh thời Internet: Không chỉ là thú chơi

Không phải cứ đôi loa tốt, cái ampli, cái đầu đọc ngon đã là có âm thanh hay, âm thanh đẹp mà còn ăn nhau ở công đoạn phối ghép.





Ở đời, đã là cái sự chơi, hẳn là ai cũng phải lấy sướng làm đầu. Mà để đạt được cái 
sướng đó, ắt người chơi phải lọ mọ, phải mầy mò, phải lăn lộn. Từ thời các cụ thả mình vào cái thú tom chát, đá gà, cá cảnh, chơi chữ, chơi cây… cho đến chơi tem, chơi tiền cổ, rồi đám con cháu sau này lăn vào các thú chơi hiện đại như chơi xe máy, xe đạp, điện thoại… ai ai đều tâm niệm câu “nghề chơi cũng lắm công phu”. Chơi âm thanh cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Nghề chơi quả thật lắm công phu

Chơi gì cũng thế, để được coi là sành sỏi chắc chắn phải trải qua một quá trình khám phá lâu dài, đặc biệt với một thú chơi cầu kỳ như âm thanh. Ai mới chập chững bước vào nghề này chả phải đôi ba lần nộp “học phí”. Không phải cứ đôi loa tốt, cái ampli, cái đầu đọc ngon đã là có âm thanh hay, âm thanh đẹp đâu. Còn ăn nhau ở công đoạn phối ghép nữa chứ. Mà dân sành chơi nào cũng biết, phối ghép đồ âm thanh là cả một nghệ thuật.

Thế cũng vẫn chưa xong. Còn cả đống thứ tỉ mẫn nữa, sợi dây loa, sợi dây tín hiệu, phức tạp hơn thì đến cục lọc nguồn, bộ cách ly điện. Rồi phòng nghe. Bộ dàn hay mà vào phòng không đúng tiêu chuẩn cũng coi như vứt. Thế là lại phải quay quắt với tiêu âm, tán âm, thảm, rèm, cột chân voi, hộp cộng hưởng… Rồi đĩa. Đĩa CD thì phải đĩa xịn, còn “gấu” hơn nữa tiến lên đĩa thanh, băng cối cho nó đạt chuẩn analog thì lại kèm thêm trăm điều rắc rối khác.

Không ít dân chơi đã phải thở dài, tự trách mình sao lại dại dột đâm đầu vào con đường này, càng đi càng thấy mờ mịt không có điểm dừng, mà quay đầu lại nhấp nhổm không yên vì “nghe nói mới về mấy cặp loa hay lắm”. Thế là máu nổi lên, lại lao vào bán mua, đổi chác.

Rồi… các bà vợ nữa chứ. Hầu hết các ông chồng máu mê cái món này đều đã nói dối vợ ít nhất một vài lần. Đồ mua về chỉ dám khai nửa giá là cao. Đâu phải bà vợ nào cũng tin rằng cặp loa vừa cũ vừa xấu kia cũng tới chục triệu. Cái cục sắt đen thui với mấy cái bóng đèn lập lòe giá vài ngàn USD. Cái đĩa CD bình thường có vài ngàn đồng mà sao đĩa này những 20USD? Có ông mua được cặp loa quý, không dám mang về nhà mà chở thẳng sang nhà bạn thân, nhờ ông bạn chở sang nhà mình, rồi vào “tâu” với vợ là bạn anh nó gửi. Rồi lâu lâu lại phải nghĩ cách nói dối là sao mãi không đem trả cho người ta. Tóm lại là rắc rối đủ đường.

 Chơi âm thanh Việt Nam vốn chẳng phải mới mẻ gì, nó đã xuất hiện ở miền Nam từ trước năm 1975, nhưng kể từ sau hòa bình lập lại, thú chơi này đã tạm thời lui lại nhường chỗ cho những tất bật của cuộc mưu sinh, cho cơm gạo áo tiền. Chỉ khoảng 10 năm trở lại đây, khi nền kinh tế đã phát triển vững chắc trở lại, một bộ phận không nhỏ dân chúng đã có mức thu nhập khá cao đủ để nghĩ đến chuyện ăn sao cho ngon, mặc sao cho đẹp, thú chơi âm thanh mới bùng phát trở lại.

Ban đầu chỉ là những nhóm bạn nhỏ có chung niềm đam mê, rồi sau này, cùng với sự bùng nổ của thông tin, đặc biệt là Internet, số lượng người chơi âm thanh ở Việt Nam đột nhiên thấy tăng vọt, những cuộc giao lưu Bắc – Nam và cả hải ngoại diễn ra thường xuyên hơn, hào hứng hơn, xôm tụ hơn. Đó là vì hầu hết người chơi đã tìm thấy cho mình sân chơi chung – đó là các diễn đàn âm thanh trên mạng, của người Việt, dành cho người Việt.
Lại còn, nhiều người đã ví, chơi âm thanh chẳng khác nào áo gấm đi đêm. Không như xe máy hay ôtô cứ ra đường là cả thiên hạ đều thấy. Bộ dàn gấu thế, hay thế lắm khi chả biết khoe ai, bởi vì không phải cứ ai đến nhà cũng mang ra khoe được. Phải là người “cùng máu” với mình. Mà bạn âm thanh cũng đâu phải nhiều. Thế nên sự ra đời của các diễn đàn âm thanh như gãi đúng vào chỗ ngứa của các “con nghiện” audio.

Sự xuất hiện đúng lúc
Có thể nói ngay, diễn đàn âm thanh tiếng Việt lớn nhất, quy mô nhất và đông đúc nhất hiện nay là vnav.vn – Vietnam Audiovisual Network. Cho tới nay, vnav.vn đã chính thức hoạt động được hơn 2 năm với hơn 5.000 thành viên đăng ký và số lượng bài viết đã gần tới con số 200.000. Quá ấn tượng với một diễn đàn chuyên sâu. Tiền thân của vnav.vn là ở box Điện-Điện tử-Viễn thông bên ttvnol.com, đến năm 2004, các anh em đam mê âm thanh đã lập ra website riêng với tên gọi audiovnclub.net. Hoạt động được hơn một năm, vì bất đồng quan điểm nên một số thành viên chủ chốt của audiovnclub.net đã tách ra và sáng lập nên vnav.net, sau này đổi tên thành vnav.vn. Sự có mặt của website này thực sự đã góp phần không nhỏ vào công cuộc thúc đẩy và phát triển phong trào audio trên khắp cả nước.

Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng vnav.vn đã có thể tự hào là một địa chỉ tin cậy nhất hiện nay cho những ai muốn tìm hiểu về thú chơi âm thanh. Có đầy đủ các trường phái cho mọi người tham khảo: người chỉ thích chơi đồ hãng mới cứng, kẻ chỉ xài second-hand, người thì nghiện DIY (do it youseft – chơi đồ âm thanh tự ráp), cũng có người suốt ngày chỉ loay hoay với hàng vintage (đồ cổ). Lắm người chỉ thích đồ bán dẫn với loa bass nhỏ, cũng không ít kẻ tôn thờ loa bass to.

Đôi khi, chỉ là một sợi dây tín hiệu, một tiếng bass xuống thật sâu hay chắc nịch gọn gàng là hay hơn cũng tranh luận hàng chục trang, ròng rã ngày này qua tháng nọ. Mục Tư vấn – Hỏi đáp là nơi giải đáp mọi thắc mắc trên trời dưới bể của các thành viên, từ mua bộ dàn với 10 triệu đồng như thế nào, phối ghép ra làm sao, sửa chữa đồ ở đâu… nhưng nếu có thắc mắc gì cụ thể hơn vẫn có thể hỏi trực tiếp trong các phụ mục khác. Gần như tất cả các câu hỏi đều được trả lời bởi các thành viên thường xuyên online trên diễn đàn.

Có vào vnav.vn mới thấy phong trào DIY đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Khu vực dành cho dân DIY lúc nào cũng xôm tụ, cố thể tìm thấy ở đây những hướng dẫn tỉ mỉ cho việc lắp ráp một chiếc ampli cho tới các sơ đồ mạch nổi tiếng, giới thiệu về các loại bóng đèn, các loại thùng loa, củ loa, linh kiện cho DIY… Quả là muôn hình vạn trạng. Rất, rất nhiều tay chơi trẻ từ chỗ không biết gì sau một thời gian dài lăn lộn ở đây đã sở hữu cho mình cả một bộ âm thanh DIY từ dây dẫn tới ampli, loa và một con đầu CD đã mod (modify – chỉnh sửa) lại gần như toàn bộ.

Kết nối niềm đam mê
Có tham gia các chương trình offline của vnav mới thấy, chơi âm thanh ngày nay không chỉ là các bậc trung niên, mà cánh trẻ cũng tham gia nhiều lắm. Thành viên của diễn đàn đa số ở độ tuổi 30-40, thậm chí nhiều chàng trai còn chưa tới 30 tuổi nhưng đã có kiến thức và kinh nghiệm phong phú không thua các bậc lão làng. Thế nhưng dù già hay trẻ thì đều vẫn đang đi trên con đường chưa có điểm dừng, tức là vẫn tiếp tục vui thú với việc mày mò, tìm kiếm và lo nghĩ cách… đối phó vợ. Chẳng thế mà trong mục Góc thư giãn của vnav.vn đã có rất nhiều bài viết của các thành viên chỉ cho nhau cách nói dối vợ, cách làm cho vợ vui lòng mỗi khi mình bê một món đồ âm thanh về.

Cũng không thể không kể đến loạt bài liệt kê các dạng “tẩu hoả nhập ma” của dân chơi audio, thôi thì đủ kiểu, nào là anh nọ quanh năm ngày tháng chỉ nghe đúng một bài hát, anh kia mua bóng đèn không cần nghe thử đã biết chất âm, đi mua đồ cứ phải bê thử xem có nặng hay không rồi tính tiếp, mua đồ về bất kể mới cũ gì cứ phải “mod 1 phát” mới yên tâm… “Tẩu” đấy nhưng mà đáng yêu vô cùng. Và gần như tất cả thành viên vnav.vn đều có một dạng “tẩu” giống nhau, đó là sáng ngủ dậy chưa biết thế nào, cứ bật PC lên đảo một vòng qua diễn đàn ngó nghiêng rồi mới làm gì thì làm.

Chơi âm thanh là một thú chơi cầu kỳ, tao nhã và có một chút gì đó sang trọng, bởi ngoài lòng đam mê, nếu không có điều kiện kinh tế, khó mà theo đuổi được nó. Rồi để được liệt vào hàng “cao thủ” nữa lại không biết tốn bao nhiêu thời gian, tiền bạc. Thế nên, cũng như mọi thú chơi khác, chơi âm thanh cũng là một quá trình, một chặng đường không có điểm dừng, và người đi trên đó mãi mãi là một nhà khám phá. Nhưng đối với họ, được ngày ngày khám phá, hàng ngày tìm kiếm cái mới cũng là một sự sướng rồi. Còn gì bằng nữa. Bởi chơi lấy sướng làm đầu mà…


(Theo Hoàng Cương - Tư vấn Tiêu dùng)

Không có nhận xét nào: