Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Xu hướng nghe nhạc hi-end trên máy tính

 Kho nhạc trực tuyến iTunes. Ảnh: Mac.

                        Xu hướng nghe nhạc hi-end trên máy tính


  Không còn bị đối xử như thứ "âm thanh bình dân", nhạc kỹ thuật số đang dần xâm chiếm lãnh địa   audiophile truyền thống
 Thập kỷ vừa qua đã chứng kiến khá nhiều thay đổi trong lĩnh vực âm nhạc. 10 năm trước đây để tải về một file nhạc nén MP3 của một bài hát có độ dài trung bình sẽ ngốn rất nhiều băng thông và thời gian. Giờ đây, thao tác tải về hay nghe trực tuyến các file nhạc không nén, những bộ phim, một đĩa CD chất lượng cao hay các file đồ họa lớn cũng đơn giản như gửi một bức e-mail thông thường. Băng thông Internet ngày nay đã tăng với tốc độ chóng mặt, tạo nên một nền văn hóa online mới, khi mà việc chia sẻ các file nhạc hay video qua mạng có dây hay không dây đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại.
Sự phát triển công nghệ cũng tạo nên một xu hướng mới thay đổi cách thức quản lý phim, nhạc. Các phương tiện lưu trữ ngày càng có mức giá dễ chịu hơn. Hiện ổ cứng dung lượng 1TB có thể dễ dàng mua tại các cửa hàng với mức giá chỉ xấp xỉ hơn một triệu đồng và giá vẫn còn đang có xu hướng tiếp tục giảm. Ổ cứng dung lượng lớn cũng không còn quá đồ sộ như những quyển từ điển mà đã ngày càng nhỏ gọn hơn. Tốc độ CPU vẫn tiếp tục tăng theo thời gian, kéo theo là sự tăng tốc về băng thông và dung lượng RAM đã tạo nên một tiền đề vững chắc cho việc hình thành các thiết bị trung tâm xử lý truyền thông đa phương tiện phức hợp.
Trên hết là xu hướng chấp nhận máy tính với tư cách là một nguồn phát nhạc chất lượng cao của các audiophile, điều mà 10 năm trước sẽ là không thể tưởng tượng nổi. Đặc biệt là sự trỗi dậy gần đây của đĩa than và sự ra mắt các định dạng độ phân giải cao như DVD-A hay SACD cùng với mạng Ethernet và Wi-Fi. Tất cả góp phần hình thành một hệ thống nghe nhạc qua mạng tại gia thông dụng không kém hệ thống nghe nhạc truyền thống thông thường.
Cùng với sự ra đời của các dịch vụ chia sẻ nhạc trực tuyến, Napster, LimeWire, các chương trình chơi nhạc như WinAmp, Foobar, Windows Media Player, iTunes… và sự phổ dụng của các thiết bị nghe nhạc cá nhân như iPod, máy tính đang dần trở thành trung tâm lưu trữ, nghe và sao chép âm nhạc sang các thiết bị di động khác. Chính vì thế, máy tính đang trở thành trung tâm công kích trước tình hình sụt giảm doanh số bán CD và các thiết bị âm thanh truyền thống khác.
Trước đây các audiophile luôn có thái độ thờ ơ với việc máy tính có thể là một nguồn phát nhạc chất lượng cao. Với quan điểm chất lượng mới là trên hết, còn sự tiện dụng chỉ là thứ yếu, nhiều người cho rằng chúng không đủ năng lực để phối ghép với các bộ loa và thiết bị xa xỉ của mình. Nhưng với sự ra đời của các thiết bị máy chủ âm nhạc trên ổ cứng chuyên cho audiophile vài năm gần đây, các hãng như Sooloos, Qsonix, hay thậm chí là McIntosh và Naim, đã dần khai thông được quan điểm cứng nhắc này.
Một điều cần lưu ý rằng, thực ra máy tính đã được sử dụng trong các phòng thu chuyên dụng từ hàng thập kỷ nay, phục vụ các công việc thu âm, ghi âm, biên tập và làm đĩa gốc. Các gói phần mềm chuyên dụng và những thiết bị phần cứng như Pro Tools đã hiện diện từ thời băng từ analog. Vì thế, xu hướng sử dụng máy tính chơi nhạc hi-end tại gia không phải là một điều mới lạ. Xu hướng tương tự cũng đã xảy ra trước đây như băng cối, băng từ kỹ thuật số (DAT), cáp XLR… cũng đi con đường từ studio chuyên dụng tới môi trường gia dụng
 Apple Airport Express, bộ phát nhạc không dây đang được ưa chuộng của Apple. Ảnh: Blogspot.

Tối ưu hóa âm thanh từ máy tính cho audiophile.
File nhạc có thể được chuyển hay được tải về ổ cứng theo rất nhiều định dạng khác nhau. WAV hay AIFF là định dạng không nén, trong khi FLAC (Free Lossless Audio Codec), hay ALAC (Apple Lossles Audio Codec) là định dạng có nén nhưng không mất chất lượng, giúp tiết kiệm không gian ổ cứng đáng kể. Ví dụ file FLAC, người dùng có thể tiết kiệm đến 50% không gian lưu trữ trong khi không hề phải hy sinh chất lượng âm thanh. Các file nhạc có thể chuyển đổi định dạng qua lại lẫn nhau một cách dễ dàng thông qua các chương trình miễn phí như Traders Little Helper, iTunes, MAX, xACT, hay Foobar… Một số người cho rằng họ có thể nghe được sự khác biệt giữa các file nhạc nén không mất dữ liệu với các file không nén. Tuy nhiên, số này nếu có cũng chỉ là rất ít, còn phần đa số sẽ không thể phân biệt được chất lượng. Những người ưa thích định dạng không nén như WAV hay AIFF thực ra một phần cũng vì chúng chơi dễ hơn do không đòi hỏi những vi xử lý tốc độ cao để giải mã như các định dạng nén khác.
Sau khi đã có file nhạc, bước tiếp theo là liên kết chúng trên hệ thống máy tính với hệ thống âm thanh đắt tiền. Đã có nhiều hãng sản xuất thiết bị chơi nhạc di động chuyên phục vụ cho mục đích này như Logitech Squeezebox hay từ các công ty danh tiếng như Naim, Bryston, Marantz, Sonos hoặc Cambridge Audio. Đặc điểm chung là chúng được thiết kế để điều khiển, duyệt bài hay chơi nhạc trực tiếp mà không cần tới giao diện máy tính.
Một số người khác thì chọn cách dùng iTunes chơi nhạc qua kết nối Wi-Fi giữa máy tính và bộ phát Apple Airport Express rồi kết nối tới bộ DAC thông qua cổng quang mini. Với kiểu kết nối này người nghe có thể dùng iPod Touch hay iPhone làm trình điều khiển chơi và duyệt nhạc. Tuy nhiên, giải pháp này thường chủ yếu dùng cho những người không yêu cầu chất lượng âm thanh quá cao bởi bị hạn chế về băng thông không dây. Apple gần đây cũng đã công bố ứng dụng AirPlay trên những thiết bị hỗ trợ với khả năng điều khiển và chơi nhạc trực tiếp từ bất kỳ iPod Touch, iPhone, hay iPad nào.
Giới audiophile chọn một giải pháp phức tạp hơn để tối ưu hóa quá trình nghe nhạc trên máy tính. Giải pháp này gồm một vài công đoạn kết nối giữa máy tính và thiết bị ngoại vi, ổ cứng ngoài, bộ DAC USB và phần mềm nghe nhạc. Hầu hết họ đều lựa chọn hệ thống máy Apple bởi hãng này xử lý âm thanh tốt hơn các máy tính trên nền Windows. Sau đó, công đoạn tiếp theo là các ổ cứng thường sẽ được thay bằng các ổ cứng thể rắn vốn không gây tiếng động, không tạo nhiễu. Cổng Firewire kết nối với ổ cứng ngoài cũng được ưa chuộng hơn vì còn phải để dành cổng USB cho các DAC.
Cổng USB, tâm điểm kết nối kỹ thuật số cũng được trau chuốt hơn. Kết nối USB trước đây vốn vẫn bị than phiền về các vấn đề liên quan đến nhiễu tín hiệu (jitter). Tuy nhiên, với sự phát triển công nghệ cổng USB không đồng bộ, cho phép các DAC không còn đóng vai trò chỉ là thiết bị khách, giải phóng bớt các tác vụ thực thi của máy tính, hạn chế các nhược điểm của âm thanh qua cổng USB, đồng thời giúp tăng cường độ phân giải và loại bỏ jitter. Hiện có hai phương pháp giao thức không đồng bộ, một của riêng nhà sản xuất thiết bị được thiết kế tùy biến người dùng và một là chuẩn của tổ chức USB.org vốn đã sẵn có trong hầu hết các hệ điều hành như Windows, Linux hay OS X, vì thế không cần cài thêm driver chuyên biệt của thiết bị.
Một trong những người có thể nói là đi đầu trong việc viết mã chuyên dụng cho giao thức USB không đồng bộ để tối ưu hóa âm thanh qua cổng USB là Gordon Rankin của hãng Wavelength Audio. Hãng này đã xuất xưởng một số mẫu DAC cao cấp và hiện cấp bản quyền khai thác giao thức này cho một số hãng audio khác như Ayre Acousics với bộ QB9 USB DAC.
 USB DAC DAC đã giải phóng bớt các tác vụ thực thi của máy tính, hạn chế các nhược điểm của âm thanh qua cổng USB, đồng thời giúp tăng cường độ phân giải và loại bỏ nhiễu. Ảnh: Clarenecho.

Những USB DAC cao cấp trên thị trường có thể kể tới là phiên bản DAC1 và DAC2 của Wyred4Sound hay rDac của Arcam. Bản rDac được nhiều người ưa chuộng bởi giá thành hợp lý và lại được "li-xăng" công nghệ từ hãng dCS vốn nổi tiếng về âm thanh số. Bản thân hãng dCS cũng ra mắt một vài DAC có cổng USB, nhưng loại thấp nhất của hãng này cũng đã có giá tới 11.000 USD. Empirical Audio cũng có hẳn một bộ sưu tập các USB DAC. Các USB DAC kể cả có dùng hay không dùng công nghệ USB cũng đều có các công nghệ riêng biệt của từng hãng nhằm loại bỏ triệt để jitter để bảo toàn chất lượng hoàn hảo của âm thanh.
Cáp nối USB cũng được lưu tâm đặc biệt với tiêu chí chỉ giữ độ dài ở mức cần thiết tối thiểu. Phần mềm chơi nhạc cũng đóng vai trò khá quan trọng, nhất là khi người dùng đã có một kho nhạc khổng lồ. Nhiều người thích dùng iTunes để quản lý nhạc, một số lại cho rằng phần mềm này chưa đủ mạnh và dùng các phần mềm chuyên dụng khác cao cấp hơn như Amarra của Sonics Studios hay Pure Music của Channel D, Decibel (trước đây là AyreWave) hay Audirvana, Fidelia…
Nếu không muốn đầu tư quá nhiều vào công đoạn kết nối, người dùng có thể lựa chọn giải pháp kinh tế hơn là chuyển âm thanh từ cổng USB qua bộ chuyển S/PDIF, từ đó nối vào các bộ DAC không tích hợp sẵn cổng USB. Giải pháp này có giá cả hợp lý hơn với những thiết bị tiêu biểu như Halide Design Bridge, Stello U2 hay các sản phẩm từ các hãng Bel Canto, Wavelength, Empirical Audio hay HRT…
Tại rất các triển lãm nghe nhìn gần đây, hệ thống chơi nhạc trên máy tính bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều hãng đã "mod" lại máy tính PC hay MAC để thực hiện chỉ một nhiệm vụ là chơi nhạc, ví dụ Match2Music dùng Mac Mini. Các phương thức "mod" thông thường bao gồm bỏ ổ cứng quay, thay bằng ổ cứng thể rắn, tăng thêm RAM (lên 8GB chẳng hạn) và cài đặt sẵn các trình chơi nhạc như Pure Music hay Amarra. Một xu hướng khá mới là ngay cả cáp USB cũng bắt đầu nhận được sự quan tâm đúng mực từ các hãng chuyên sản xuất cáp hi-end với cam kết tiêu chuẩn chất lượng được đảm bảo tương đương như cáp hi-end truyền thống khác. Tất nhiên, giá cả của những sợi cáp USB này cũng gấp cả trăm lần một sợi cáp USB thông thường. Xét về tỷ lệ giá cả/chất lượng thì nhãn hiệu Belkin Gold hiện nay có vẻ hợp lý hơn cả.
Xu hướng chơi nhạc trên nền máy tính vẫn đang trên đà phát triển. Các nhà sản xuất mặc dù vẫn tiếp tục ra đều đều các phiên bản đọc CD mới hàng năm, nhưng đã bắt đầu cập nhật hơn các công nghệ thời thượng như ngõ vào số, kết nối Internet hay thậm chí là giao diện cảm ứng. Kể cả các công ty vốn được biết đến với các sản phẩm hi-end cổ điển thực thụ như Cary Audio, Bryston, PS Audio, hay McIntosh, Naim… đã bắt đầu tung ra thị trường những hệ thống máy chủ âm nhạc dựa trên ổ cứng hay các thiết bị chơi nhạc mạng. Hay như một hãng nổi tiếng với các thiết bị đèn như Conrad Johnson cũng đã bắt đầu tung ra USB DAC với công nghệ bản quyền từ HRT.
Với hạ tầng kỹ thuật đã định hình, xu hướng tải về đĩa hay bài nhạc chất lượng cao sẽ trở thành một hoạt động thông thường tương tự như khi muốn nghe nhạc người ta đi mua đĩa CD vậy. Có thể xu hướng nhạc số/nhạc máy tính không phải sẽ một sớm một chiều, nhưng rõ ràng nó đã và đang có một lộ trình phát triển rất vững chắc.
ST

Không có nhận xét nào: