Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Thú chơi đồ âm thanh cổ điển

Trong thời đại kỹ thuật số với những công nghệ hiện đại, không ít người đã đầu tư cho mình những bộ âm thanh đời mới, hàng "khủng" giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn USD. Nhưng cũng là thú chơi âm thanh nhiều người lại có thiên hướng chơi những đồ âm thanh cổ điển để lưu giữ lại nét xưa, khi Việt Nam mới chập chững bước vào " thế giới âm thanh".

Tìm thú vui những chiếc đầu đĩa than cổ...
          Không ồn ào và sôi động như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giới âm thanh cổ tại Hải Phòng (Audio Hải Phòng) lại có phong cách riêng: lặng lẽ và vui thú với nhau để đưa ra những món đồ âm thanh mình yêu thích. Chính vì vậy, phong cách thưởng thức nhạc cổ điển tĩnh lặng cộng với những món đồ âm thanh cũ kỹ cũng là nét riêng của người Hải Phòng. Hiện nay, giới Audio Hải Phòng được chia thành 2 phong cách, một là luôn hướng đến những công nghệ tối tân, còn lại là hướng về những thứ gì cổ xưa, cũ kỹ nhất. Giới chơi Audio cổ của Hải Phòng không nhiều, chủ yếu là những người có độ tuổi từ 40 trở lên. Họ đam mê âm thanh cổ một cách kỳ lạ, phần vì sở thích, phần vì muốn giữ lại những nét xưa cũ của Việt Nam khi bắt đầu "chập chững bước vào thế giới âm thanh". Theo sự chỉ dẫn của người bạn, tôi đến tìm một người chơi âm thanh cổ khá nổi tiếng tại Hải Phòng tại phố Hai Bà Trưng. Đến đây, tôi thực sự choáng ngợp bởi những bộ âm thanh của nhà anh. Đó là những chiếc đầu quay băng cối có từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước; những chiếc đầu đọc đĩa than tuổi đời đến nay chắc đã ngoài 50 và đặc biệt nhất là chiếc đầu đĩa tay quay do hãng EMI (Anh) sản xuất từ đầu thế kỷ 20 với thương hiệu His master's voice (Tiếng nói của ông chủ anh ấy), được đặt riêng cho tên gọi "chó ngửi kèn". Chiếc đầu đĩa này được chủ nhà đặt trang trọng giữa những món đồ âm thanh độc đáo của mình. Thú thực, đây cũng là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy tận mắt chiếc đầu đĩa than loại cổ này, vì trước đây, tôi chỉ được biết qua những bộ phim cũ. Chiếc đầu đọc đĩa than này được anh mua lại từ lâu, nhưng ít khi anh sử dụng vì kim đọc cũng đã mòn, âm thanh nghe không được hay bằng lúc đầu, song vẫn có thể nghe được. Tuy nhiên, vì quá quý chiếc đầu đĩa này nên chủ yếu anh để cho đẹp mắt và ít nghe. Đó không chỉ là chiếc đầu đĩa than thông thường mà đó là đầu đĩa kèm theo l chiếc loa đồng, lắp đĩa vào mâm rồi quay bằng tay âm thanh sẽ phát ra. Nếu ai đã từng xem những bộ phim cổ của châu Âu chắc sẽ biết đến loại đầu đĩa kiểu này.
          Thorens Reference được xem là đầu đĩa than cổ đắt giá nhất hiện nay, khoảng 50.000USD++
          Bộ âm thanh của anh còn có sự hiện hữu của chiếc đầu đọc dĩa than mang thương hiệu Victor (hàng nội địa của hãng JVC). Tuổi đời của nó chắc cũng khoảng vài chục năm nhưng còn khá mới do chủ nhà bảo quản khá kỹ lưỡng. Đó là chiếc đầu đĩa loại cổ gồm 2 cần gạt đặt trên một khung gỗ. Anh cho biết đã phải rất kỳ công để có bộ đầu đọc đĩa than này, vì hãng Victor không sản xuất đã vài chục năm nay rồi. Anh cho biết thêm, nghe âm thanh analog thì đĩa than tuyệt vời nhất, vì âm thanh của nó rất chất lượng, tuy nhiên, nghe nhiều đĩa sẽ có tiếng ồn và nếu bảo quản không tốt, đĩa dễ bị hỏng và pha tạp âm, do vậy, anh bỏ công sức lùng sục và đã mua được chiếc kệ đựng đĩa than khá "đẳng cấp" với giá không thể rẻ hơn: 500.000 đồng.

.... Đến yêu thích những chiếc đầu băng cối già nua
          Chơi băng cối đối với nhiều người là một thú vui, bởi không chỉ đó là món đồ âm thanh cổ mà vì tìm nội dung băng cũng khó. Vì vậy, nhiều người cho rằng chơi băng cối là chơi thiên về đồ độc, thế nhưng thực sự không phải vậy. Chơi băng cối là hướng về âm thanh Analog mộc mạc của thuở ban đầu, khi giọng hát bao trùm lên nhạc đệm. Theo một số người sành chơi băng cối tại Hải Phòng thì trong thời đại âm thanh Digital (kỹ thuật số) ngày càng bùng nổ thì âm thanh Analog vẫn có chỗ đứng riêng của nó. Không thích các điệu nhạc theo kiểu "chát xình chát chát bùm" mà những người thích băng cối hướng về thứ âm thanh "phèng phèng" mộc mạc, trầm lắng. Những người yêu thích băng cối lại có quan điểm, sở thích nghe nhạc riêng của mình nên thường xảy ra những cuộc "cãi vã" với phe phái thích nhạc Digital. Họ cho rằng, nghe nhạc Digital chỉ là nghe nhạc chứ còn nếu so về giọng hát thì không thể bằng Alalog, bởi nghe những bài hát thu âm theo kiểu Analog thì rõ ràng tiếng hát của ca sĩ đè trên nền nhạc và phải là những ca sĩ thực thụ mới có thể thu âm được. Nhưng khi sử dụng âm thanh Digital, tiếng nhạc sẽ át tiếng hát, vì vậy, một ca sĩ có giọng hát không hay cũng có thể tự thu âm cho mình được thông qua hệ thống kỹ thuật lọc tối tân hiện đang xuất hiện nhan nhản ở các phòng thu, thậm chí một số quán karaoke cũng có.

          Giới chơi âm thanh cổ tại Hải Phòng thường cho rằng, chơi đầu nghe băng cối, tuy chương trình không nhiều nhưng lại có nét độc đáo riêng của nó mà đồ âm thanh Digital không thể có được. Đó là gật gù thưởng thức ly cafe nghe nhạc Analog ngắm nhìn đôi cuộn băng xoay và chiếc kim đèn điện tử giật theo điệu nhạc. Song để có được chiếc đầu băng cối cũng không phải là chuyện đơn giản. Hầu hết những loại đầu băng cối là loại cũ, được nhập về từ Nhật Bản- nơi sản xuất ra những chiếc đầu băng cối mang thương hiệu Akai, Teac... nổi tiếng thế giới của thế kỷ trước. Những người muốn chơi thường phải đặt hàng tại Nhật Bản để đi tìm hoặc tìm mua lại của người có với giá khá cao. Do những chiếc đầu băng cối là loại cũ nên nếu hỏng cũng rất khó để tìm đồ thay, vì vậy hiện nay, một số người đã bắt đầu tìm kiếm linh kiện để thay thế, sửa chữa những chiếc đầu băng cối.
          Ngoài đầu đọc, tìm mua băng cối cũng là một kỳ ông, bởi chỉ những người sành chơi mới có. Các chương trình của băng cối chủ yếu là những bài hát cũ được thu âm trước năm 1975, nhưng chương trình được nhiều người tìm mua là bộ băng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và của một số nhạc sĩ khác. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những chương trình được sao lại, chứ nếu bộ băng của Trịnh Công Sơn loại gốc, phát hành trong những năm 70 giá sẽ lên đến vài triệu đồng/băng. Đó là số tiền khá lớn, song vẫn có nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra mua, bởi theo họ, đó là gìn giữ nhưng gì còn lại của cố nhạc sĩ và của âm nhạc Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước./.
nguồn:http://vn.360plus.yahoo.com/thang_pru/article?mid=58

Không có nhận xét nào: