Công tác trong ngành hàng hải nhưng vốn đam mê kỹ thuật điện tử từ nhỏ, sau một quá trình tự mày mò, anh Triều Phương, quận 7, TP HCM, đã có trong tay một kho thiết bị tự chế, có thể nói là lớn nhất, nhì Việt Nam.
Ampli tích hợp 6C33C SE, một trong những sản phẩm đầu tay của anh Phương. Ảnh: L.T.
Mặc dù đã tự lắp được ampli bán dẫn từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, song phải tới năm 2003, anh Lê Triều Phương mới tiếp cận con đường DIY (tự chế tạo) các thiết bị hi-end một cách thực thụ. Qua sinh hoạt trên diễn đàn điện tử viễn thông của mạng Trí tuệ Việt Nam, anh Phương đã triển khai thành công "dự án" đầu tay của mình, đó là một chiếc ampli điện tử single-ended dùng bóng 300B.
Bị thuyết phục bởi âm thanh của sản phẩm đầu tay này, anh Phương đã bán hết các thiết bị đồ hiệu của mình để chuyên tâm vào con đường DIY. Và từ đó đến nay, với hàng chục "dự án" tiếp nối, sản phẩm sau hoàn thiện hơn sản phẩm trước, anh đã trở thành một trong những người dẫn dắt phong trào tự chế đồ âm thanh ở Việt Nam. Anh cũng đồng thời là sáng lập viên của Mạng Nghe nhìn Việt Nam (VNAV), nơi qui tụ hầu hết dân chơi âm thanh và các DIYer (người tự chế âm thanh) kỳ cựu không chỉ của Việt Nam mà cả những người Việt đang sinh sống ở nước ngoài.
Hệ thống ampli đèn dùng để xem phim. Ảnh: L.T.
"Gia tài" của anh Phương hiện có gần hai chục bộ ampli đèn do anh tự tay lắp ráp, dành cho 2 mục đích: nghe nhạc và xem phim. Anh thiết kế hẳn một gian phòng được xử lý âm học cẩn thận để thưởng thức hệ thống âm thanh của mình. Ngoài ra, anh còn có hai căn phòng dùng để chứa rất nhiều linh kiện, lẫn những thành phẩm đã sưu tập qua bao năm "ăn ngủ" với DIY.
Bộ dàn nghe nhạc của anh Phương. Ảnh: L.T.
Bộ dàn nghe nhạc của anh Phương được đầu tư khá kỹ và phần lớn là các thiết bị tự chế. Dàn loa kèn 4 đường tiếng gồm phần lớn là các củ loa dạng kèn đời cổ. Các củ loa này vốn được hãng JBL sản xuất từ những năm 50-60 của thế kỷ trước để trang bị cho các rạp chiếu phim dùng công nghệ thuần analog, nhưng trong 2 thập kỷ gần đây được dân chơi thế giới săn lùng "ác liệt" vì âm thanh của chúng rất đặc biệt, như một thứ "ma lực" dễ gây nghiện.
Để "điều trị" dàn kèn này, anh Phương dùng bộ phân tần chủ động và 4 chiếc ampli đèn. Dải cao (trên 10 KHz) được ghép với ampli single- end dùng bóng quân sự 6C33C của Nga vốn khá uy lực để phát huy hết khả năng của "super tweeter" Fostex. Dải trung (từ 500 Hz đến 10 KHz) ghép với ampli đèn 300B single-end, được coi là loại bóng vô địch về trung âm. Phần trung trầm (80 Hz - 500 Hz) dùng GU50 SE và phần trầm (dưới 80 Hz) dùng 300B đẩy kéo (push-pull).
Các thiết bị nguồn phục vụ hệ thống này cũng khá đa dạng, gồm cơ đĩa than Microseki với kim Benz Micro L2, cơ đĩa than Thorens 274 dùng kim Denon 103DR, đầu thu-phát băng cối Revox B77, CD Sonic Frontier, đĩa MD hiệu Denon 2000AL....
Âm thanh của dàn loa kèn và ampli tube tự chế trên khá thuyết phục, sân khấu âm thanh mênh mang, các tầng âm được phân lớp rõ ràng và có độ chi tiết rất cao. Tuy nhiên, anh Phương vẫn tỏ ra chưa thật hài lòng với hệ thống nghe nhạc hiện tại và bày tỏ ý định sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống loa tới 5 hoặc 6 đường tiếng, bởi anh cho rằng mình không thiếu ampli để phối ghép.
Hệ thống xem phim bằng máy chiếu 3 tia. Ảnh: VNAV.
Hệ thống xem phim 5.1 của anh cũng sử dụng hoàn toàn các thiết bị đèn điện tử và đây cũng có thể coi là một trong những rất ít hệ thống đèn 5.1 ở Việt Nam.
Phần "front" dùng 2 loa JBL A7 với ampli GU50 single-ended. Loa center sử dụng driver toàn dải của Fostex được đóng trong thùng dạng kèn để tái tạo tiếng người tốt nhất và được kéo bằng ampli 6P3C push-pull. 2 loa sau (rear) cũng dùng driver Fostex với ampli 6V6SE. Riêng với loa subwoofer thì anh sử dụng ampli OTL công suất lớn nhưng do tiêu thụ quá nhều điện năng nên anh vẫn phải thường xuyên dùng ampli bán dẫn cho hiệu quả.
Về phần hình, anh Phương dùng song song cả 2 thiết bị, TV Plasma và máy chiếu 3 tia, với đầu đọc DVD và một bộ máy tínhchuyên dụng để xem phim (HTPC).
Mặc dù mức đầu tư đối với hệ thống home theater này có thể nói là khiêm tốn, chỉ tương đương một hệ thống đồ hãng cỡ trên mức bình dân một chút, nhưng chất lượng âm thanh và hình ảnh rất tốt. Trái với hình dung của nhiều người, âm thanh surround từ hệ thống đèn đặc chế có độ phân giải rất cao, trong khi vẫn đảm bảo độ động, độ uy lực của một hệ thống home theater
Ampli OTL dùng 14 bóng 6H13C, sản phẩm được giải nhất cuộc thi ampli đèn công suất lớn của diễn đàn VNAV năm 2007. Ảnh nhân vật cung cấp.
Để có được một hệ thống nghe nhạc và xem phim ưng ý với hàm lượng DIY chiếm tới trên 80%, anh Phương cũng phải trải qua một quá trình tích lũy kinh nghiệm và nếu thiếu đam mê thì không thể thực hiện được.
Anh kể lại, "thời thanh niên còn đi học mê âm thanh lắm. Nhưng chưa có điều kiện để vọc. Lúc ấy cũng còn ghiền nhiều thứ khác như: vi tính, game... Đến một lúc khi công việc đã ổn định, niềm đam mê thuở nhỏ lại trỗi dậy. Vậy là lao vào DIY ngay". Nhớ lại cái buổi ban đầu tập tành với thú chơi ampli đèn, anh Phương đã vấp phải nhiều điều trở ngại. Thú chơi âm thanh lúc đó ở Việt Nam chưa phổ biến, kinh nghiệm và kiến thức được tập trung chủ yếu ở một số ít "cây đa, cây đề" khiến những người mới chơi rất vất vả. Anh Phương cùng những người bạn cùng sở thích đã phải tập hợp với nhau thành từng nhóm để trao đổi và học hỏi.
Đầu tiên, anh và các bạn chơi chỉ có thể lắp ráp ampli theo cách mạch điện đã có sẵn. Rồi dần rà, khi đã tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, anh đã có thể tự thiết kế mạch, lắp ráp các sản phẩm có chất âm theo sở thích. Thậm chí anh còn tự trang bị các thiết bị đo chuyên dụng vốn chỉ dùng cho những kỹ sư thiết kế để hỗ trợ đo kiểm sao cho đạt được thông số đầu ra tương đương với các sản phẩm hãng. Rồi mày mò tìm hiểu các phần mềm chuyên dụng để giả lập, kiểm tra mạch điện trong quá trình thiết kế. Từ chỗ chỉ "sản xuất" thiết bị để nghe, anh còn lắp ampli để tham dự các cuộc thi do diễn đàn VNAV phát động và thường xuyên "khuân" về các giải thưởng. "Đam mê không có điểm dừng", anh Phương ví von.
Linh kiện được sử dụng không nhất thiết phải là loại đắt tiền. Ảnh: L.T.
Trong quá trình DIY, hầu hết các loại bóng đèn phổ thông trên thị trường như 300B, 2A3, 845, 211, EL34, 6L6, KT88, 6C33C, GM70... anh đều đã thử nghiệm để lắp ráp. Gần đây, anh chuyển sang các loại bóng rẻ tiền, chưa được nhiều người khai thác và thiên về lắp ampli đèn theo hướng không dùng biến áp xuất âm (OTL).
Các linh kiện được sử dụng cũng khá đa dạng, từ các loại tụ, trở hàng hiệu được đặt mua từ tận nước ngoài, tới các biến áp xuất âm được đặt hàng chế tạo thủ công trong nước và cả những linh kiện cũ nhặt nhạnh ở các cửa hàng chuyên về đồ rã máy. Theo anh, việc phối ghép các linh kiện là cả một nghệ thuật, đòi hỏi người ráp máy phải hiểu rõ đặc tính của từng loại, "giống như người đầu bếp phải hiểu rõ từng loại thức ăn, gia vị". Không nhất thiết phải dùng tới linh kiện đắt tiền. Quan trọng nhất vẫn là thiết kế. "Mạch điện phải đúng thì âm thanh mới hay", anh Phương chia sẻ.
Một chiếc phono ampli do anh Phương tự thiết kế và lắp ráp. Ảnh: L.T.
Trong thế giới của cộng đồng mạng, những người như anh Phương được coi là có khả năng định hướng, dẫn dắt cuộc chơi vì anh hội tụ đủ các điều kiện: kiến thức, kinh nghiệm, sự nhiệt tình và kể cả khả năng tài chính. Trên mạng thì được tôn vinh là vậy, nhưng ở ngoài đời, bạn bè và thậm chí là người thân cũng không thể hiểu nổi cái thú chơi không giống ai này. Họ cho anh là tốn quá nhiều thời gian và chi phí để DIY, thay vì dành thời gian đó tập trung kiếm tiền và mua một bộ đồ hãng thật "khủng".
"Đã là đam mê thì luôn có cái lý của nó. DIY luôn cho mình cảm giác được chinh phục", anh Phương nhẹ nhàng giải thích. Và như để thanh minh thêm, anh tếu táo, "sau bao năm không một đêm được ngủ đủ giấc vì lọ mọ DIY thì đến nay mình cũng đã tạm hài lòng với hệ thống hiện có để tập trung nghe nhạc".
Nguyễn Quang - Linh Chi
(Theo http://sohoa.vnexpress.net/News/Am-thanh/2008/10/3B9AF70B/ )